Thứ ba, 13/09/2022 14:11 GMT+7

Hội thảo về Kiểm tra hoạt động của Hệ thống bảo vệ thực thể cơ sở hạt nhân

Ngày 12/9/2022 tại thành phố Đà Lạt, trong khuôn khổ hợp tác theo Chương trình an ninh hạt nhân toàn cầu với Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) đã phối hợp với Văn phòng An ninh hạt nhân quốc tế (INS), Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia/Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (NNSA/USDOE) khai mạc “Hội thảo về Kiểm tra hoạt động của Hệ thống bảo vệ thực thể cơ sở hạt nhân”. Hội thảo sẽ diễn ra trong 05 ngày từ ngày 12-16/9/2022.


Các đại biểu tại Hội thảo

Hội thảo là hoạt động tiếp nối Hội thảo về Vận hành hệ thống bảo vệ thực thể tại cơ sở hạt nhân diễn ra tại Đà Lạt từ năm 2019 nhằm tăng cường năng lực bảo đảm an ninh hạt nhân, đánh giá hiệu quả các chức năng của hệ thống bảo vệ thực thể của cơ sở.

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia an ninh hạt nhân thuộc Phòng Thí nghiệm quốc gia Sandia, Phòng Thí nghiệm quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương, (NNSA/USDOE), đại diện Cục ATBXHN, Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, Viện Nghiên cứu hạt nhân, và đại diện các đơn vị chức năng của tỉnh Lâm Đồng như Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, lực lượng Công an bảo vệ mục tiêu Lò Phản ứng nghiên cứu hạt nhân tại Đà Lạt, Công an tỉnh Lâm Đồng.
 


Toàn cảnh Hội thảo

Thông qua Hội thảo, các chuyên gia của Hoa Kỳ sẽ chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn triển khai công tác kiểm tra hoạt động hệ thống bảo vệ thực thể tại cơ sở hạt nhân, từ đó đánh giá hiệu quả các chức năng chính về phát hiện, trì hoãn, ứng phó của hệ thống này.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Bùi Thị Thùy Anh, đại diện Cục ATBXHN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân, góp phần bảo đảm an ninh hạt nhân cho cơ sở hạt nhân. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của hầu hết các công ước, điều ước quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân nói chung và về an ninh hạt nhân nói riêng, việc xây dựng quy trình, kế hoạch kiểm tra hiệu quả hệ thống bảo vệ thực thể của Lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu tại Đà Lạt có ý nghĩa lớn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Kiên Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân cũng đã nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt của cơ sở hạt nhân duy nhất này tại Việt Nam đối với công tác bảo đảm an toàn, an ninh cho vật liệu hạt nhân được sử dụng tại cơ sở này.

Hội thảo diễn ra trong vòng 05 ngày, bao gồm các phần bài giảng lý thuyết và bài tập thực hành cho các đại biểu tham dự, cùng trao đổi và thảo luận về chủ đề này.

Nguồn: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân

Lượt xem: 1155

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)