Hơn 30 TCVN về truy xuất nguồn gốc
Hiện nay, hoạt động TXNG ngày càng trở nên cần thiết và là tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu. Việc minh bạch hóa nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm là chìa khóa khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại xuyên biên giới... Đồng thời, TXNG còn giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế thương hiệu.
Minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm hàng hóa là chìa khóa khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ảnh minh họa.
Theo đó, Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 19/01/2019 (Đề án 100), nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động TXNG, phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa đã đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, từ khi Đề án 100 ra đời (năm 2019) đến tháng 12/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chủ trì và phối hợp với các Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông) xây dựng và công bố thêm 10 TCVN về TXNG, nâng tổng số TCVN về TXNG các loại sản phẩm, hàng hóa và về yêu cầu đối với hệ thống TXNG lên tới 23 TCVN.
Dự kiến đến cuối năm 2022, tổng số TCVN về TXNG được công bố lên tới hơn 30 TCVN (Bộ KH&CN đã phê duyệt bổ sung kế hoạch xây dựng TCVN năm 2021-2022 tại Quyết định số 2764/QĐ-BKHCN ngày 04/11/2021, trong đó xây dựng bổ sung 10 TCVN về TXNG vào năm 2022).
Thêm nữa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ tiếp tục xây dựng 07 TCVN liên quan đến xác thực nguồn gốc và TXNG các loại sản phẩm nông sản, 04 TCVN về xác thực nguồn gốc và TXNG các sản phẩm khác; Bộ Y tế sẽ xây dựng 02 TCVN liên quan đến truy xuất trang thiết bị y tế theo kế hoạch xây dựng TCVN năm 2022 đã được Bộ KH&CN phê duyệt.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế về truy xuất nguồn gốc
Ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số, Mã vạch quốc gia.
Ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện tại, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để triển khai áp dụng và quản lý hệ thống TXNG của Việt Nam chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức. Hệ thống TXNG mang tính khép kín, không có khả năng tương tác, liên kết, chia sẻ và trao đổi dữ liệu... Vì vậy, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh TXNG cần được thúc đẩy, hướng tới thừa nhận kết quả TXNG lẫn nhau.
Đồng thời, Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia cần được thiết lập, xây dựng, vận hành theo đúng mục tiêu của Quyết định số 100/QĐ-TTg đề ra. Dự kiến, Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia sẽ vận hành vào cuối năm 2022.
Cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hóa quốc gia có sự tham gia của tất cả các bên trong chuỗi cung ứng như: Nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, phân phối, bán lẻ, đơn vị cung cấp giải pháp TXNG và cơ quan quản lý nhà nước... hướng tới mục tiêu: Thu thập, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu, từ đó bảo đảm sự kết nối giữa hệ thống truy xuất của các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố. Cổng thông tin cũng hướng tới việc kết nối quốc tế để hỗ trợ việc xuất, nhập khẩu sản phẩm hàng hóa, thông quan và vượt qua các yêu cầu về TXNG, ngăn chặn hành vi gian lận thương mại xuyên biên giới.
Được biết, Tổ chức Mã số mã vạch toàn cầu - GS1 là tổ chức tiêu chuẩn hóa về mã định danh, mã số mã vạch, trao đổi dữ liệu điện tử trong chuỗi sản xuất, cung ứng. Với thế mạnh trong việc liên kết các thông tin trong chuỗi sản xuất, cung ứng, GS1 là tổ chức đi đầu trong xây dựng tiêu chuẩn về TXNG. Rất nhiều quốc gia đã áp dụng tiêu chuẩn GS1 trong TXNG, các tiêu chuẩn viện dẫn tiêu chuẩn TXNG của GS1 nhằm có được hệ thống TXNG thống nhất, hài hòa quốc tế. Đây là tiền đề để phát triển hệ thống TCVN về TXNG, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất khẩu.