Thứ năm, 01/12/2022 17:05 GMT+7

Cuộc họp khu vực của các Điều phối viên quốc gia Sáng kiến CBRN khu vực Đông Nam Á

Từ ngày 28-30/11/2022, Cuộc họp khu vực của các Điều phối viên quốc gia Sáng kiến thiết lập Trung tâm hợp tác tiên tiến về giảm thiểu nguy cơ hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (Sáng kiến CBRN) đã được tổ chức tại Bali, Indonesia. Ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN), tham dự Cuộc họp với vai trò Điều phối viên quốc gia chính của Việt Nam trong khuôn khổ Sáng kiến.

Tham dự Cuộc họp có đại diện của Ủy ban châu Âu (EC), đại diện của Viện nghiên cứu Liên hợp quốc về Tư pháp và Tội phạm liên vùng (UNICRI), các chuyên gia CBRN của EU và quốc tế, Điều phối viên/đại diện của 07 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (Campuchia, Lào, Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam). Ngoài ra, đại diện của Văn phòng Liên hợp quốc về Phòng chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) tại Indonesia cũng tham dự với vai trò quan sát viên đối với một số nội dung của các phiên họp.

Cuộc họp được chia thành 03 phiên: Phiên họp Bàn tròn của các Điều phối viên quốc gia; Phiên họp tổng kết Dự án số 61 trong lĩnh vực hóa chất; và Phiên họp Ban chỉ đạo Dự án số 81 trong lĩnh vực sinh học.

Tại Phiên họp Bàn tròn giữa Điều phối viên các quốc gia (NFP) trong khu vực với đại diện của EC và Ban Thư ký Sáng kiến CBRN khu vực Đông Nam Á, các quốc gia đã cập nhật về tình hình triển khai Sáng kiến, hoạt động ưu tiên tại mỗi quốc gia trong kỳ 06 tháng tiếp theo. Điều phối viên khu vực đã trình bày cập nhật về các hoạt động của Ban Thư ký khu vực giai đoạn từ Hội nghị quốc tế của NFP (tháng 05/2022) đến thời điểm hiện tại; chia sẻ thông tin về Kế hoạch hợp tác về an ninh và chính trị giữa EU-ASEAN (trong đó có nội dung về CBRN) giai đoạn 2022-2027 cũng như kế hoạch tổ chức một số sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Sáng kiến trong năm 2023. Ngoài ra, chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ (OSA expert) cũng chia sẻ về ý tưởng xây dựng dự án mới liên quan đến việc tăng cường và bảo đảm sức khỏe con người trước các sự cố CBRN xảy ra do tự nhiên hoặc do các vấn đề liên quan đến công nghệ.
 


Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải trao đổi ý kiến tại Phiên họp Bàn tròn của các Điều phối viên quốc gia

Tại Phiên họp tổng kết hoạt động của Dự án số 61 (triển khai trong giai đoạn 2018-2022), các chuyên gia và một số quốc gia tiêu biểu (Campuchia, Philippines và Việt Nam) đã tập trung đánh giá kết quả, thách thức, bài học thành công cũng như khuyến nghị và đề xuất hoạt động ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo. Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) trong khuôn khổ Sáng kiến CBRN thông qua Dự án số 61. Các kết quả chính của Dự án mang lại, bao gồm các báo cáo nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế, các hướng dẫn về quản lý an toàn, an ninh các loại hóa chất nguy hiểm cùng với chất thải của chúng, vấn đề cấp phép cho các cơ sở hóa chất, đánh giá nguy cơ, ứng phó sự cố, vv… sẽ hỗ trợ Việt Nam rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quản lý, nội luật hóa các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hóa học và tăng cường năng lực kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh trong việc quản lý, sử dụng, vận chuyển, lưu giữ hóa chất tại Việt Nam.
 


Phiên họp Tổng kết Dự án số 61
 


Tổng kết và đánh giá kết quả các hoạt động của Dự án số 61 mà Việt Nam tham gia triển khai

Đối với Dự án số 81, Phiên họp Ban chỉ đạo Dự án đã cập nhật tiến độ và đánh giá kết quả đạt được trong năm 2022 tại các quốc gia trong khu vực. Trong đó, hoạt động đào tạo về đánh giá nguy cơ, an toàn, an ninh sinh học tại phòng thí nghiệm cấp 3 (BSL3) cho cán bộ của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương tại Việt Nam được ghi nhận là một trong những thành công nổi bật, có thể sử dụng làm hình mẫu để tiến hành đào tạo mở rộng trong thời gian tới. Dự án được các quốc gia tham dự đánh giá cao về tính linh hoạt, qua đó có thể giúp các quốc gia lựa chọn hoạt động ưu tiên phù hợp với mục tiêu góp phần triển khai kế hoạch hành động quốc gia về phòng ngừa, phát hiện, chuẩn bị và ứng phó sự cố CBRN tại quốc gia tương ứng.
 


Phiên họp Ban Chỉ đạo Dự án số 81

Sáng kiến CBRN do Liên minh châu Âu khởi xướng từ năm 2010. Việt Nam chính thức tham gia Sáng kiến vào năm 2012, trong đó Cục ATBXHN đảm nhận vai trò Cơ quan Đầu mối quốc gia và Cục trưởng Cục ATBXHN là Điều phối viên quốc gia chính. Tính đến tháng 11/2022, đã có 64 quốc gia trên toàn thế giới tham gia vào Sáng kiến nói trên./.

Nguồn: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân

Lượt xem: 1304

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)