Thứ năm, 07/12/2023 15:59 GMT+7

Ngành dệt may: Công nghệ là yếu tố then chốt để thích ứng với thời cuộc

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải đổi mới sản phẩm, quy trình, marketing, đặc biệt là công nghệ để phù hợp với thời cuộc và tiếp cận được khách hàng hiện nay.
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Xu hướng nghiên cứu nâng cao năng suất ngành dệt may nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh trong bối cảnh chuyển đối số và phát triển bền vững” do Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Quatest 3), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp cùng trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh chiều 30/11/2023.
Theo đó, TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho rằng, công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may Việt Nam là nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và thời trang hóa ngành dệt may. 
 
Theo TS. Hoàng Xuân Hiệp, doanh nghiệp ngành dệt may có thể lựa chọn công nghệ để tận dụng tốt nhân lực có tuổi trên 50.
Thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần thêm công cụ là xanh hóa dệt may. Các nước châu Âu đã có quy định rất rõ ràng về tỷ lệ tái chế sản phẩm… Liệu các sản phẩm dệt may, xơ sợi của Việt Nam đã "xanh"? Đây sẽ là vấn đề cần nghiên cứu sâu để ngành dệt may Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhận định, năng suất tính theo giá trị gia tăng của ngành dệt may còn thấp, đặc biệt, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu thế chuyển đổi nhanh của chuỗi cung ứng toàn cầu sang chuỗi cung ứng xanh, bền vững thì việc cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt.  
 
TS. Hà Minh Hiệp - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho rằng, năng suất lao động tính theo giá trị gia tăng của ngành dệt may chưa cao.
TS. Phạm Minh Hiền, chuyên gia Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối Thịnh vượng chung (CSIRO) cũng cho rằng, người tiêu dùng và các ngành công nghiệp ngày càng tập trung vào tính bền vững và thực hành thời trang tuần hoàn. Không chỉ thời trang mà nhiều ngành nghề khác hiện đang chịu tác động của 5 xu hướng chính: tính bền vững và thời trang tuần hoàn, biến động thương mại địa chính trị, số hóa công nghiệp 4.0, người tiêu dùng chuyên nghiệp với khả năng tùy chỉnh hàng loạt, vật liệu tiên tiến. Vì vậy, mô hình thời trang bền vững ra đời trong yêu cầu cấp thiết phải chung tay bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên.
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Để đáp ứng yêu cầu của thời cuộc, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tại Hội thảo đều thống nhất, ngành dệt may Việt Nam buộc phải thay đổi để thích ứng, trong đó, việc đổi mới công nghệ là yếu tố cần thiết để nâng cao năng suất lao động, nâng sức cạnh tranh và đổi mới sản phẩm.
 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 892

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)