Thứ bảy, 20/07/2024 12:15 GMT+7

Kết nối, chuyển giao công nghệ khu vực phía Nam

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển và hội nhập của đất nước vào tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và mở rộng hợp tác về khoa học và công nghệ (KH&CN) với các nước phát triển được xác định là một trong những giải pháp quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) trong nước.

Ngày 19/7/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), Bộ KH&CN, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP. HCM phối hợp, chủ trì tổ chức Hội thảo “Kết nối chuyển giao công nghệ đối với viện, trường ở khu vực phía Nam”. Hội thảo được tổ chức thành hai phiên gồm: Hội thảo kết nối chuyển giao công nghệ đối với viện, trường ở khu vực phía Nam và Hội thảo kết nối chuyển giao công nghệ đối với các sở ngành, doanh nghiệp khu vực phía Nam.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tự chủ đại học, vươn tầm quốc tế

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP. HCM cho biết, ĐHQG TP. HCM đã xác định tầm nhìn trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong top đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan toả tri thức, văn hoá Việt Nam. Để thực hiện tầm nhìn này, công tác hợp tác quốc tế rất quan trọng. Do đó, chủ đề xuyên suốt của ĐHQG TP. HCM từ 2021-2025 là “Tự chủ đại học, vươn tầm quốc tế”.

ĐHQG TP. HCM xác định chiến lược phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 có các nhóm đào tạo, nghiên cứu mang tính mũi nhọn và đột phá gồm: Công nghệ sinh học, công nghệ bán dẫn, vi mạch, trí tuệ nhân tạo, các ngành KH&CN liên ngành. ĐHQG TP. HCM cũng xác định một số trọng tâm gồm chuyển đổi năng lượng, nhất là năng lượng xanh; KH&CN vật liệu tiên tiến; biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đây là bốn mũi đột phá chiến lược phát triển ĐHQG TP. HCM. Thời gian qua, ĐHQG TP. HCM đã triển khai cho các đơn vị thành viên, trực thuộc thực hiện khảo sát về nhu cầu hợp tác liên quan KH,CN&ĐMST, đào tạo… với các đối tác quốc tế.

Ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP. HCM khai mạc Hội thảo.

Phát biểu định hướng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, Bộ KH&CN đã xây dựng mạng lưới đại diện trên 23 địa bàn trọng điểm về KH&CN tại 15 quốc gia, vùng lãnh thổ, có hợp tác sâu rộng về KH&CN với Việt Nam. Các đại diện KH&CN thực hiện xây dựng và kết nối trực tiếp với các nhà khoa học người Việt, Việt kiều dựa trên nhu cầu của các viện, trường, doanh nghiệp trong nước để giới thiệu, tìm hiểu các chính sách, kinh nghiệm,  hệ thống pháp luật về phát triển KH&CN của các quốc gia để tư vấn cho Bộ KH&CN và các viện trường, doanh nghiệp trong nước có nhu cầu; kết nối trực tiếp các nguồn công nghệ của viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp nước ngoài với các đơn vị trong nước.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu định hướng tại Hội thảo.

Trong những năm gần đây, ĐHQG TP. HCM đã có nhiều bước đột phá, tiên phong trong các hoạt động nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mặc dù nguồn lực đầu tư còn hạn chế nhưng ĐHQG TP. HCM đã phối hợp với Bộ KH&CN cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có việc triển khai Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 138/QĐ-TTg ngày 26/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ đầu năm 2024, Bộ KH&CN đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với đơn vị chức năng của ĐHQG TP. HCM triển khai một số nội dung: Khảo sát, xác định nhu cầu chuyển giao, công nghệ nước ngoài, nhu cầu đào tạo, hợp tác nghiên cứu chung, kết nối và chuyển giao công nghệ nước ngoài và Bộ KH&CN đã tổng hợp, gửi thông tin về nhu cầu trong nước cho các đại diện KH&CN ở nước ngoài hỗ trợ tìm kiếm, giới thiệu, kết nối. Hiện Bộ đã và đang kết nối, giới thiệu một số công nghệ, dự án nghiên cứu, đào tạo của các nước có nền KH&CN phát triển cho một số đơn vị có nhu cầu của ĐHQG TP. HCM và của một số trường đại học, viện nghiên cứu khu vực phía Nam. Những nội dung trên nhằm thúc đẩy hoạt động kết nối, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua các đại diện KH&CN Việt Nam ở nước ngoài của Bộ KH&CN, cũng như tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu chung, chuyển giao công nghệ giữa các viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu trong nước với nước ngoài.

Tăng cường kết nối, chuyển giao công nghệ

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã báo cáo về hoạt động kết nối, chuyển giao công nghệ của mạng lưới đại diện KH&CN và một số kết quả tổng hợp theo nhu cầu của ĐHQG TP. HCM, đề xuất một số hoạt động hợp tác trong thời gian tới. Đại diện KH&CN tại NewYork, Houston, Tokyo, London, Hàn Quốc, Washington đã báo cáo về kết quả giới thiệu, kết nối dựa trên nhu cầu của ĐHQG TP. HCM và giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của một số quốc gia trong hợp tác nghiên cứu chung, đào tạo và chuyển giao công nghệ…

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo báo cáo tại Hội thảo.

Nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động kết nối, chuyển giao công nghệ đối với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu khu vực phía Nam, các đại biểu tham dự hội thảo đã trao đổi, đề xuất cụ thể về các nhu cầu trong hợp tác đào tạo, nghiên cứu, nhu cầu kết nối chuyên gia, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài đối với Bộ KH&CN.

Các đại diện KH&CN ở nước ngoài tham dự Hội thảo đã tập trung nêu rõ tiềm năng, thế mạnh của địa bàn, đánh giá cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ mà các đơn vị của ĐHQG TP. HCM có nhu cầu và đề xuất các nội dung hỗ trợ kết nối cụ thể, khả thi đối với các đơn vị của ĐHQG TP. HCM, các viện, trường khu vực phía Nam trong thời gian tới.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Văn Chính, đại diện KH&CN Việt Nam tại New York (Mỹ) chia sẻ, bán dẫn là một trong những lĩnh vực tiềm năng trong hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Mỹ. Mỹ hướng đến phát triển các công nghệ chip hiệu suất cao, chi phí thấp và giảm tác động của hoạt động sản xuất chất bán dẫn đến sức khoẻ con người và môi trường.

Ông Lê Văn Chính, đại diện KH&CN Việt Nam tại New York (Mỹ) chia sẻ tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Đức Minh, đại diện KH&CN tại Nhật Bản cho biết, Nhật Bản rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực bán dẫn trong 10 năm tới. Đây là cơ hội hợp tác hai nước có thể triển khai ngay. Các trường đại học có thể hợp tác bằng cách tham gia dự án nghiên cứu chung, trong đó có hỗ trợ thành lập các phòng thí nghiệm bán dẫn, chương trình hỗ trợ học bổng, trao đổi sinh viên nhằm nâng cao chất lượng nhân lực, kỹ năng thực hành tại doanh nghiệp bán dẫn. Theo bà Đỗ Bích Ngọc, đại diện KH&CN tại Hàn Quốc, với lĩnh vực bán dẫn, dự kiến trong 5 năm tới Hàn Quốc sẽ đào tạo khoảng 10.000 nhân lực. Chính sách về nhân lực của Hàn Quốc sẽ mang lại cơ hội hợp tác cho các viện, trường của Việt Nam cùng tham gia.

Với mô hình kết nối, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam thông qua chuyên gia, viện nghiên cứu, trường đại học với vai trò tư vấn công nghệ phù hợp với doanh nghiệp trong nước, sẽ góp phần nâng cao tiềm lực KH,CN&ĐMST trong nước, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa Việt Nam với các nước có nền KH&CN tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Trong phiên buổi chiều, Hội thảo kết nối chuyển giao công nghệ đối với các sở ngành, doanh nghiệp khu vực phía Nam, ngoài sự tham gia của Ban Giám đốc ĐHQG TP. HCM còn có các đại biểu đại diện cho 19 Sở KH&CN khu vực phía Nam, Hội thảo cũng thu hút sự quan tâm của nhiều Hiệp hội và doanh nghiệp khu vực phía Nam như Hiệp hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội công nghệ thông tin TP. HCM,Hiệp hội vi mạnh bán dẫn TP. HCM, Công ty Becamex, Công ty Matis Việt Nam…

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đề xuất một số hỗ trợ cụ thể trong một số lĩnh vực đối với Bộ KH&CN và thảo luận, chia sẻ một số kinh nghiệm thành công trong nghiên cứu phát triển công nghệ, hợp tác chuyển giao công nghệ tại một số doanh nghiệp khu vực phía Nam.

Kết luận tại Hội thảo, đồng chí Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy kết nối, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài đối với doanh nghiệp khu vực phía Nam thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự.
 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Lượt xem: 973

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)