Thứ ba, 20/08/2024 14:59 GMT+7

Doanh nghiệp được lợi kép từ áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong kiểm kê khí nhà kính

“Hiện nay trên thế giới đã có các tiêu chuẩn quốc tế về kiểm kê khí nhà kính như: ISO 14064, ISO 14067, ISO 14068… Việc áp dụng các tiêu chuẩn trên sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo tính chính xác cho các báo cáo phát thải, giảm nhẹ phát thải, định lượng vết carbon...”.
Ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT), Ủy Ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết tại Hội thảo “Chuyển đổi xanh: Net Zero và trung hòa carbon; tín chỉ Carbon và kiểm kê khí nhà kính” do Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Viện Chiến lược và công nghệ Logistics (VLIST), Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng (HPSME) và Tạp chí Môi trường phối hợp tổ chức tại Tp. Hải Phòng.
Ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc QUACERT. (Ảnh: Ngọc Xen)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Quốc Dũng cho biết, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP 26) năm 2021, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050, đồng thời các nước đã thống nhất giữ cho nhiệt độ trái đất tăng tối đa 2 độ C, phấn đấu đạt 15°C trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, mới đây, Cơ quan môi trường Liên Hợp Quốc cho biết, nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên 2,9°C trong thế kỷ này. Vào tháng 7/2023 Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng, giai đoạn ấm lên toàn cầu (Global warming) đã kết thúc và thế giới đang chuyển sang giai đoạn sôi lên toàn cầu (Global boiling).
Để giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới trung hòa carbon và Net zero có nhiều việc phải làm như: chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi năng lượng... Nhưng một trong những việc đầu tiên và xuyên suốt quá trình là phải tính toán, hiện nay chúng ta đang ở đâu. Do đó, kiểm kê khí nhà kính một cách toàn diện, đầy đủ, chính xác trở thành yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo độ tin cậy, sự công bằng, làm cơ sở cho việc tham gia vào các cơ chế trao đổi tín chỉ carbon.
Hiện nay trên thế giới đã có các tiêu chuẩn quốc tế về kiểm kê khí nhà kính như: bộ tiêu chuẩn ISO 14064 hoặc tiêu chuẩn ISO 14067 về định lượng vết carbon, ISO 14068 về trung hòa carbon… Việc áp dụng các tiêu chuẩn trên sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo tính chính xác cho báo cáo phát thải, báo cáo giảm nhẹ phát thải, báo cáo định lượng vết carbon... do các tiêu chuẩn bao quát tất cả các nguồn phát thải trực tiếp và gián tiếp.
“Hội thảo là cơ hội để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong kiểm kê khí nhà kính, trung hòa carbon, những chương trình, dự án cụ thể về chuyển đổi xanh, phương pháp trung hòa carbon đã và đang được triển khai. Qua đó giúp các doanh nghiệp tại Tp. Hải Phòng hiểu được yêu cầu và thực tiễn về chuyển đổi xanh, net zero và trung hòa carbon, tín chỉ carbon và kiểm kê khí nhà kính”, ông Dũng nhấn mạnh.
Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hải Phòng. (Ảnh: Ngọc Xen)
Ông Vũ Chí Trung, Phó Trưởng phòng Quản lý đầu tư và Hợp tác quốc tế - Sở Công thương Tp. Hải Phòng cho biết, là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, nên những năm qua Tp. Hải Phòng đã dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và giảm phát thải khí nhà kính nói riêng. Theo đó, Tp. Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” từ năm 2014 và hiện vẫn đang từng bước thực hiện. Trong đó, ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, mô hình các khu công nghiệp sinh thái đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính”. Ngoài ra, Tp Hải Phòng luôn khuyến khích nhà đầu tư tập trung phát triển các dự án có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, khuyến khích nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời áp mái, sử dụng công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường… hướng tới sự phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Tuấn Cường, Chuyên gia đánh giá tại QUACERT cho rằng, mặc dù giảm thiểu phát thải là yêu cầu bắt buộc nhưng phần lớn doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong kiểm kê phát thải khí nhà kính. Nguyên nhân của tình trạng này là các doanh nghiệp chưa thực hiện được hoạt động kiểm kê, các đơn vị tư vấn chưa cung cấp đủ phương pháp thu thập dữ liệu một cách chính xác. Cùng với đội  ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, QUACERT hiện là đơn vị đi đầu trong việc cung cấp các dịch vụ thẩm định, thẩm tra khí nhà kính theo các tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể là ISO 14064 -1 (quy định kỹ thuật và hướng dẫn để định lượng và báo cáo các phát thải và loại bỏ khí nhà kính ở cấp độ tổ chức); ISO 14064 - 2 (quy định kỹ thuật và hướng dẫn để định lượng, quan trắc và báo cáo về sự giảm thiểu phát thải hoặc tăng cường loại bỏ khí nhà kính ở cấp độ dự án); ISO 14067 (dấu vết carbon của sản phẩm - yêu cầu và hướng dẫn định lượng).
Bên cạnh đó, các dịch vụ liên quan QUACERT cung cấp cho doanh nghiệp bao gồm: thẩm tra xác nhận/thẩm định báo cáo khí nhà kính của đơn vị và dự án theo ISO 14064 - 2:2018; thẩm tra xác nhận/thẩm định báo cáo nghiên cứu vết carbon của sản phẩm theo ISO 14067:2018; thực hiện đào tạo về kiểm kê, lập báo cáo khí nhà kính của đơn vị theo ISO 14064-1:2018; đào tạo về định lượng dấu vết cacbon của sản phẩm, lập báo cáo nghiên cứu vết carbon theo ISO 14067:2018.
Tại Hội thảo, nhiều tham luận đã được trình bày tổng quát về mục tiêu Netzero và kiểm kê khí nhà kính như: “Kiểm kê khí nhà kính theo chuẩn mực Quốc tế”; “Tín chỉ carbon lâm nghiệp và bù đắp phát thải”; “Thực trạng cấp bách trong việc chuyển đổi xanh ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế quốc gia”; “Điện mặt trời  - Thu hút vốn đầu tư hay tự đầu tư”…
Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng, bên cạnh những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp Tp. Hải Phòng nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung cần sớm có kế hoạch triển khai kiểm kê khí nhà kính để đáp ứng với các yêu cầu cũng như nâng cao vị thế của mình trên thị trường trong nước và quốc tế.
 

Nguồn: Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia

Lượt xem: 916

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)