Thông tin được đưa ra tại Phiên họp thường kỳ Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ (KH&CN) về an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang Thủy điện sông Đà diễn ra ngày 05/7/2017, tại Hòa Bình. Đồng chí Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng chủ trì Phiên họp. Tham dự Phiên họp có: đồng chí Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đồng chí Nguyễn Thế Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, các thành viên Hội đồng, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Xây dựng, Bộ công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Thủy điện Sơn La, Công ty Thủy điện Hòa Bình, Công ty Thủy điện Bản Chát, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, các chuyên gia của Hội đồng,...
Toàn cảnh Phiên họp
Hệ thống thủy điện vận hành ổn định, an toàn
Sông Đà là phụ lưu lớn nhất trong hệ thống sông Hồng, bắt nguồn từ độ cao 2.440m của vùng núi Ngụy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Đây là con sông có thủy điện lớn nhất đất nước. Đến nay, bậc thang sông Đà đã xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quang và Bản Chát. Đây đều là những nhà máy thủy điện có đập cao (xấp xỉ 100m), các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu còn có vùng hồ rộng, dung tích chứa lớn.
Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật báo cáo tại Phiên họp
Báo cáo tại phiên họp, ông Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN) cho biết, ngay sau Phiên họp thường kỳ ngày 15/7/2016, Cơ quan Thường trực Hội đồng đã gửi Biên bản Phiên họp và Thông báo kết luận Phiên họp tới thành viên Hội đồng và các đơn vị liên quan. Thường trực Hội đồng, các ủy viên Phản biện của Hội đồng đã có nhiều hoạt động giúp Công ty thủy điện Hòa Bình và Sơn La sớm triển khai thực hiện, đáp ứng các yêu cầu của Hội đồng.
Đến cuối tháng 12/2016, 5 nhà máy thủy điện (Bản Chát, Huội Quảng, Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình) trên bậc thang thủy điện sông Đà đã đưa vào hoạt động và vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, ông Hậu cho biết.
Theo Báo cáo của EVN, công tác vận hành nhà máy, vận hành hồ chứa và các nội dung thực hiện phương án đảm bảo an toàn đập thực hiện đúng qui trình, đảm bảo an toàn công trình, an toàn chống lũ cho hạ du, đảm bảo hiệu quả phát điện. Công tác giám sát công trình được kiểm soát thường xuyên bằng trực quan và hệ thống thiết bị đặt sẵn thông qua hệ thống thu thập số liệu tự động.
Tổng sản lượng điện sản xuất năm 2016 của 5 thủy điện trên hệ thống sông Đà, là 24,69 tỷ kWh, chiếm 13,50% sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện (trong đó, thủy điện Hòa Bình là 10,13 tỷ kWh, tăng 60 triệu kWh so với năm 2015; thủy điện Sơn La 8,337 tỷ kWh, tăng 10 triệu kWh so với năm 2015; thủy điện Lai Châu 3,946 tỷ kWh, tăng 3,873 tỷ kWh so với năm 2015 (do Nhà máy thủy điện Lai Châu mới đưa vào vận hành từ cuối năm 2015), thủy điện Huội Quảng 1,622 tỷ kWh, tăng 1,603 tỷ kWh so với năm 2015 (do Nhà máy thủy điện Huội Quảng mới đưa vào vận hành từ cuối năm 2015); thủy điện Bản Chát 659 tr kWh, giảm 116 tr kWh so với năm 2015.
Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng sản lượng điện của 5 nhà máy thủy điện là 10,09 tỷ kWh, chiếm 10,57% sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện. Qua thực hiện 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tăng với cùng kỳ 2016. Hệ thống điện quốc gia đã đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước. Các hồ chứa thủy điện đã thực hiện tốt nhiệm vụ cấp nước cho các địa phương vùng hạ du.
Tại Phiên họp, bà Đặng Thanh Mai - Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã báo cáo tình hình khí tượng thủy văn sông Đà năm 2016 và dự báo mùa lũ 2017. Theo đó, Trung tâm đã thực hiện cung cấp các bản tin cảnh báo, dự báo tình hình mưa lũ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. 92 bản tin trong mùa lũ và 10 bản tin trong mùa cạn nói chung đã cung cấp đầu đủ theo quy định, đáp ứng yêu cầu vận hành hồ chứa.
Các thành viên, chuyên gia Hội đồng đều đánh giá, qua kết quả quan trắc (thu thập các thông số trạng thái công trình qua các mốc, thiết bị đo; kiểm tra tình trạng công trình bằng mắt thường); phân tích, đánh giá về tình trạng làm việc, an toàn công trình, hồ chứa đến tháng 5/2017 cho thấy các công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng và Bản Chát đang làm việc trong trạng thái ổn định, an toàn, sẵn sàng vận hành mùa lũ năm 2017.
Tận dụng tối đa nguồn nước, nâng cao hiệu quả phát điện
Các thành viên, chuyên gia và đại biểu tham dự Phiên họp đều khẳng định vai trò quan trọng của các công trình thủy điện trên bậc thang sông Đà. Đồng thời cho rằng, các công trình đã và đang vận hành an toàn, ổn định; cần tận dụng tối đa nguồn nước, nâng cao hiệu quả phát điện; thực hiện tốt việc quan trắc; nâng cao vai trò của chủ đập và của địa phương;…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phát biểu tại Phiên họp
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, 5 công trình thủy điện trên bậc thang sông Đà chiếm vị trí, tầm quan trọng rất lớn, xét về mặt điện năng, hiệu suất, tính an toàn. 5 thủy điện này đã hoạt động an toàn, ổn định. Tuy nhiên, cần lưu ý về quy trình, cách thức đánh giá, có bộ tiêu chí đánh giá các kết quả đo; cần đảm bảo hài hòa các chức năng của hồ chứa trong quá trình vận hành, vừa đảm bảo an toàn vừa đảm bảo hiệu suất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Dũng cũng đã khẳng định vai trò, hiệu quả của các công trình thủy điện, đặc biệt trong việc phục vụ phát điện. Ông cho biết, tỉnh đã chỉ đạo Công ty vận hành công trình thủy điện Hòa Bình và đơn vị liên quan chú trọng việc cảnh báo, dự báo, quản lý vận hành, giữ gìn nguồn nước, trồng rừng đầu nguồn. Tỉnh mong rằng, quy trình vận hành hồ chứa sẽ được các bộ, ngành quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.
Theo kiến nghị của ông Ngô Sơn Hải, Hội đồng cần xem xét và báo cáo các cấp có thẩm quyền đề xuất với các Bộ, ban ngành liên quan hướng dẫn xây dựng các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực sông Đà nhằm mục đích tận dụng tối đa nguồn nước, nâng cao hiệu quả phát điện các nhà máy thủy điện trên bậc thang sông Đà và đảm bảo an toàn, chủ động trong quá trình điều tiết lũ; kiến nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương tiếp tục đầu tư các công nghệ dự báo nâng cao chất lượng dự báo thời hạn trước 5 - 7 ngày….
Về việc quan trắc động đất khu vực công trình thủy điện trên bậc thang sông Đà, ông Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng đây là việc rất cấp thiết cần thực hiện đầy đủ. Ông cho biết, đến năm 2017, mạng lưới quan trắc động đất tại các nhà máy thủy điện trên bậc thang sông Đà gồm 36 trạm địa chấn có thể đáp ứng được yêu cầu quan trắc động đất cho các nhà máy thủy điện trên bậc thang sông Đà, đồng thời cung cấp nguồn số liệu đầy đủ cho các nghiên cứu về địa chấn vùng Tây Bắc. Hoạt động động đất ở khu vực hồ thủy điện Hòa Bình đã suy giảm từ những năm 1990 – 1992. Tuy nhiên vẫn có các hoạt động động đất đột phát, vì vậy cần duy trì thường xuyên mạng trạm quan trắc động đất địa phương ở khu vực này.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại Phiên họp
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Chu Ngọc Anh đánh giá rất cao sự chỉ đạo của EVN để các công trình thủy điện trên bậc thang sông Đà làm tốt công tác vận hành, quản lý, đảm bảo an toàn, cung cấp điện ổn định và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn khác thực hiện tốt việc điều tiết việc vận hành chứa. Bộ trưởng cho rằng, các báo cáo đã khái quát được kết quả, số liệu quan trắc thủy văn và hồ chứa năm 2016 và đầu năm 2017, phát điện và cấp nước hạ du,… Báo cáo kết quả quan trắc, đánh giá tình trạng an toàn đập Thuỷ điện Sơn La và Hòa Bình rõ ràng, đầy đủ, chi tiết, chính xác. Số liệu nêu trong các báo cáo đầy đủ, tin cậy.
Qua kết quả quan trắc và đo đạc các thông số, đánh giá tình trạng làm việc của công trình đến thời điểm tháng 5/2017, Cơ quan Thường trực Hội đồng đồng thuận với báo cáo của EVN và Công ty thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu và Huội Quảng, Bản Chát. Trên cơ sở các báo cáo và ý kiến, trao đổi tại Phiên họp, Hội đồng đã thống nhất cao là các công trình thủy điện đều đảm bảo an toàn, ổn định, đủ điều kiện sẵn sàng tham gia chống lũ và tích nước năm 2017.
Để nâng cao hiệu quả phát điện của các công trình thủy điện, Hội đồng đề nghị, đối với công trình thủy điện Hòa Bình, có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đánh giá tình trạng kết cấu công trình theo quy định của Nghị định số 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập; đề nghị Công ty Thủy điện Hòa Bình phối hợp với UBND hai tỉnh Hòa Bình, Sơn La và các cơ quan chức năng tại địa phương, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định tại Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Nghị định số 43/2015/NĐ-CP Quy định về lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
Đối với công trình thủy điện Sơn La, Hội đồng thống nhất đánh giá tổng lưu lượng thấm ở các hành lang trong giới hạn cho phép, đoạn hành lang ở khu vực lòng sông lưu lượng thấm đã nhỏ hơn tính toán, nhưng vẫn cần tiếp tục tăng cường theo dõi để có biện pháp xử lý phù hợp; thực hiện đánh giá an toàn đập Sơn La trên cơ sở có tính đến các đặc tính cơ lý của bê tông đập tuổi hiện tại và thực tế các kết quả quan trắc;....
Đối với công trình thủy điện Lai Châu, thực hiện việc quan trắc, thu thập số liệu, lập báo cáo kết quả quan trắc, đánh giá tình trạng an toàn công trình theo quy định của Hội đồng; sớm triển khai việc đánh giá kiểm định an toàn đập sau 2 năm tích nước hồ chứa và thuê tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để tính toán xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá an toàn đập làm cơ sở để đánh giá số liệu quan trắc trong quá trình vận hành.
Đối với công trình thủy điện Huội Quảng, Bản Chát, đề nghị thực hiện việc quan trắc, thu thập số liệu, lập báo cáo kết quả quan trắc, đánh giá tình trạng an toàn công trình theo quy định; sớm triển khai việc đánh giá kiểm định an toàn đập sau 2 năm tích nước hồ chứa.
Đối với các Bộ ngành, Hội đồng đề nghị Bộ TN&MT xem xét triển khai hệ thống quan trắc mưa tự động, hướng dẫn việc xây dựng các trạm khí tượng thuỷ văn chuyên dùng trên lưu vực sông Đà để nâng cao chất lượng dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong quá trình quản lý vận hành; Bộ Công Thương, EVN sớm ban hành Quy trình vận hành đơn hồ. Phối hợp với các đơn vị liên quan thí điểm xây dựng trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang sông Đà.
Hội đồng cũng đề nghị UBND các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Ðiện Biên và Lai Châu chỉ đạo các ban ngành liên quan, quan tâm phối hợp cùng các chủ đập trong công tác bảo đảm an toàn khai thác, vận hành công trình, đặc biệt trong công tác quản lý hành lang bảo vệ hồ chứa và môi trường nước xả vào các hồ chứa.
Tổ chuyên gia, Cơ quan thường trực Hội đồng cần tổ chức các chuyến công tác khảo sát thực tế, xem xét, đánh giá các hiện tượng bất thường của đập và hồ chứa thủy điện trong hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà trước và sau mùa lũ; kiến nghị kịp thời các biện pháp xử lý khắc phục, đồng thời tư vấn để đưa ra quyết định về nhiệm vụ quan trắc, nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao hiệu quả công tác dự báo, phòng, chống lũ, phát điện, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thuỷ điện.
Trước đó, chiều ngày 4/7, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và các chuyên gia, thành viên Hội đồng đã có buổi thăm và làm việc với Công ty thủy điện Hòa Bình.
Bộ trưởng và các chuyên gia, thành viên Hội đồng tham quan bên ngoài Nhà máy thủy điện Hòa Bình
Bộ trưởng và các chuyên gia, thành viên Hội đồng nghe giới thiệu về cơ chế vận hành Nhà máy thủy điện Hòa Bình
Bên trong Nhà máy thủy điện Hòa Bình