Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ cùng đại diện gần 60 cơ quan thông tấn, báo chí.
Toàn cảnh buổi Họp báo
Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KH&CN
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã điểm lại các hoạt động nổi bật của Bộ KH&CN trong Quý II/2017. Cụ thể, Bộ KH&CN đã hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản: Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 thay thế Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 về nhãn hàng hóa; Nghị định 74/2017/NĐ-CP ngày 20/06/2017 Quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; Quyết định 553/QĐ-TTg ngày 21/4/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030; Quyết định 562/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 phê duyệt Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017-2025; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Quyết định 677/QĐ-TTg ngày 18/5/2017 phê duyệt Đề án xây dựng hệ tri thức Việt số hóa;...
Thứ trưởng Phạm Công Tạc chủ trì buổi Họp báo
Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký ban hành Quyết định 925/QĐ-BKHCN ngày 26/4/2017 về việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ KH&CN; Thông tư (TT) 06/2017/TT-BKHCN ngày 25/5/2017 quy định định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo cho trạm quan trắc nước tự động, liên tục; TT 07/2017/TT-BKHCN ngày 16/6/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 27/2012 ngày 12/12/2012 quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN;…
Đặc biệt, ngày 19/6/2017, tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) với tỉ lệ tán thành rất cao, 93,28% (458/459 số đại biểu có mặt tán thành). Điều này đã thể hiện sự thống nhất, đồng thuận cao của các cấp, bộ, ngành, địa phương. Luật được kỳ vọng sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động CGCN, thu hút công nghệ, CGCN, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững đất nước. Theo ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội, ngoài việc tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thúc đẩy hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ, việc Quốc hội ban hành Luật còn khẳng định, làm rõ hơn vị trí, vai trò của KH&CN vừa là quốc sách hàng đầu, vừa là động lực quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội.
Ban soạn thảo, Bộ KH&CN với sự hợp tác, phối hợp của các cơ quan liên quan đã nỗ lực thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN, CGCN, kế thừa những nội dung tiến bộ của Luật CGCN năm 2006, tháo gỡ tối đa các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất thúc đẩy CGCN, đổi mới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Luật CGCN (sửa đổi) với 6 Chương 60 Điều, tập trung vào phạm vi điều chỉnh, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động CGCN, biện pháp thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư và quản lý Nhà nước hoạt động CGCN. Hiện Bộ đang phối hợp với một số cơ quan liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới Luật để sớm ban hành, đưa Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Ngày 20/06/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 74/2017/NĐ-CP Quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Nghị định gồm 6 chương, 22 điều, mở ra những cơ hội đầu tư mới tại Dự án này. Nghị định cho phép Dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đầu tư và thuế. Theo đó, với dự án đầu tư mới tại Khu Công nghệ cao có quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 30 năm. Ban Quản lý được áp dụng cơ chế “một cửa” trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý, cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn khác trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, lao động và các lĩnh vực khác. UBND thành phố Hà Nội sẽ ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại Khu Công nghệ cao.
Nhiều sự kiện lớn diễn ra
Bên cạnh công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo quan trọng như: Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN năm 2017; Hội thảo “Liên kết, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng”; Hội thảo “KH&CN với phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị”; Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ XI; Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ XIV; Lễ Trao Giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2016 và kỷ niệm 5 năm tổ chức Giải thưởng báo chí về KH&CN; Lễ trao Giải thưởng HCM về KH&CN đợt 5 cho 2 cụm công trình đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng; Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017;… Trong Quý II, Bộ KH&CN đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2017 – 2020 với 3 đơn vị: UBND TP.HCM, Đại học Quốc gia Tp. HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội;…
Liên quan đến Ngày KH&CN Việt Nam 18/5/2017, với chủ đề “Khoa học - Chìa khóa của tương lai”, các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, nhiều Bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học trên cả nước và sở KH&CN các địa phương đã tổ chức hàng loạt sự kiện chào mừng. Nội dung các sự kiện rất thiết thực nhằm biểu dương, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH&CN; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thành tựu KH&CN đối với sự phát triển đất nước, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN; động viên thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên say mê nghiên cứu khoa học, góp phần hình thành đội ngũ cán bộ khoa học trong tương lai.
Hoạt động cải cách hành chính (CCHC) và Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 (Global Innovation Index 2017 - GII 2017) cũng có nhiều chuyển biến rõ rệt. Chỉ số PAR INDEX 2016 (Chỉ số CCHC năm 2016 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) của Bộ KH&CN tăng 14 bậc so với năm 2015, đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng các Bộ, cơ quan ngang Bộ (xếp sau Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính). Một tín hiệu đáng mừng nữa đó là, theo Báo cáo GII 2017, Việt Nam đã tăng hạng khá ấn tượng, từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế (tăng 12 bậc). Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay.
Giải đáp những vấn đề báo chí quan tâm
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, theo kế hoạch, trong Quý III, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH&CN. Đồng thời, tổ chức các hoạt động, sự kiện như Hội thảo khoa học thuộc chuỗi sự kiện Gặp gỡ Việt Nam 2017, Hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3 cho thiếu niên lần thứ 6 tại Hà Nội. Đây là một hoạt động thường niên do Tiểu ban Phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn lực KH&CN ASEAN, Ủy ban KH-CN ASEAN tổ chức, là cuộc thi cho các tài năng khoa học trẻ tuổi từ 13 - 15 trong khối ASEAN+3; Lễ kỷ niệm ngày thành lập Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội; Hội nghị của Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn trong khuôn khổ APEC/SOM3 tại Tp. Hồ Chí Minh; Kỳ họp lần thứ 2 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam- Israel; Họp UBHH hợp tác KH&CN Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5;...
Tại buổi Họp báo, rất nhiều vấn đề được các phóng viên, nhà báo đặt ra. Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời và cung cấp thông tin liên quan đến kế hoạch xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân tại Đồng Nai; thanh tra chuyên đề năm 2017; sự kiện Gặp gỡ Việt Nam; Hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3; kế hoạch của Bộ KH&CN thời gian tới để tiếp tục thăng hạng chỉ số GII; cơ chế đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc; cơ chế, chính sách đối với các nhà sáng chế không chuyên, nhà khoa học trẻ; hoạt động của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội; triển khai Đề án xây dựng hệ tri thức Việt số hóa;...
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã tổng kết lại những vấn đề các nhà báo, phóng viên đặt ra và trao đổi thông tin của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. Thứ trưởng cho rằng, những thông tin về KH&CN có tác động tới nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội. Bộ KH&CN mong muốn các nhà báo tiếp tục đồng hành cùng Bộ để đưa thông tin đầy đủ, rộng rãi tới cộng đồng./.